Truyền nước bị phù tay phải làm sao? Cách khắc phục và lưu ý.

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng truyền nước hoặc nghe về thuật ngữ truyền nước. Đây là một phương pháp điều dưỡng phổ biến với giá thành rẻ và hiệu quả, nhất là đối với những người không ăn uống được hoặc cần bổ sung điện giải. Tuy nhiên sau khi thực hiện truyền nước, vùng da nơi truyền nước của người bệnh có thể xuất hiện những vết sưng, phù không rõ nguyên nhân. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc: Truyền nước bị phù tay phải làm sao?

Tìm hiểu về truyền nước và chỉ định truyền nước

Khái niệm

Truyền nước là tiêm truyền dung dịch nhỏ giọt chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng có lợi thông qua dụng cụ kim truyền vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Truyền nước là một kỹ thuật điều dưỡng phổ biến trong điều trị và chăm sóc người bệnh và phải do bác sĩ chỉ định, phải được thực hiện tại cơ sở y tế. Hiệu quả chăm sóc do truyền nước cao do thuốc đưa vào cơ thể nhanh song cũng có thể xảy ra các tai biến, biến chứng. 

 Truyền nước là một kỹ thuật điều dưỡng phổ biến trong điều trị và chăm sóc người bệnh
Truyền nước là một kỹ thuật điều dưỡng phổ biến trong điều trị và chăm sóc người bệnh

Chỉ định

Mỗi nhóm dịch truyền được dành riêng cho các đối tượng khác nhau. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định truyền nước với các mục đích như sau:

– Phục hồi khối lượng tuần hoàn đã mất, cung cấp nước và các chất điện giải cho cơ thể: trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy dẫn tới mất nước, ngộ độc thực phẩm, bỏng nặng, mất máu do chấn thương tại chỗ, xuất huyết…

– Cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh: Khi bệnh nhân mất khả năng ăn uống, bị suy kiệt thể chất; bệnh nhân hôn mê, bệnh nhân bị tổn thương thực quản, dạ dày, đường tiêu hóa.

– Chỉ định đặc biệt khi bệnh nhân cần bổ sung gấp các chất huyết tương hay dịch tuần hoàn trong cơ thể

– Mục đích khác: giải độc, lợi tiểu trong trường hợp người bệnh bị ngộ độc.

Nguyên nhân và triệu chứng truyền nước bị phù tay

Nguyên nhân

Phù là sưng không đau do tích tụ chất lỏng dư thừa trong các mô kẽ (ngoài mạch máu) của cơ thể. Mặc dù phù có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng nó có nhiều khả năng xuất hiện ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. 

Phù tay xuất hiện tại vùng da tiêm truyền
Phù tay xuất hiện tại vùng da tiêm truyền

Phù tay do truyền nước xảy ra do hiện tượng thoát dịch, thoát máu ra các mô kẽ dưới da. Phù tay do truyền nước sẽ chỉ sưng lên tại vùng da bị tiêm truyền, có thể xảy ra do kim luồn bị trật ven, do rút sau kim không ấn giữ. Thông thường, phù tay do truyền nước không nguy hiểm, sẽ xuất hiện từ 2 – 4 giờ sau khi truyền và sẽ tự hết theo thời gian. Tuy nhiên nếu thấy vùng da nơi truyền nước bị sưng phù tấy đỏ hay đau nhức thì nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ xử lý, tránh tự bôi các loại kem dưỡng hay bài thuốc dân gian truyền miệng. Không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như viêm tĩnh mạch, hoại tử.

Triệu chứng

Khi truyền nước bị phù tay, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng sau đây:

– Vùng da tay nơi tiêm truyền sưng nhẹ.

– Da căng, sáng bóng.

– Có thể hơi ngứa và nhức nhẹ nhưng không đau.

Cách điều trị phù tay do truyền nước tại nhà

Nếu sau khi bệnh nhân truyền nước bị sưng phù ở vùng da tiêm truyền, nên thực hiện các bước sau để giúp vết phù nhanh chóng xẹp xuống:

– Nằm ngửa và kê cao vùng tay bị sưng phù bằng gối.

– Đưa tay lên trên đầu rồi lần lượt nắm và mở nắm đấm lặp đi lặp lại.

– Thử cử động vai và cánh tay, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ để cải thiện lưu lượng máu về tim.

– Uống nhiều nước.

– Vệ sinh sạch sẽ, lau khô và dưỡng ẩm đều đặn cho vùng da bị phù hoặc cả cánh tay bằng nước muối sinh lý để tránh nhiễm trùng.

Vệ sinh sạch sẽ và dưỡng ẩm vùng da bị phù tay
Vệ sinh sạch sẽ và dưỡng ẩm vùng da bị phù tay

– Ngâm tay trong chậu nước ấm và sau đó chuyển sang chậu nước lạnh để giúp dịch ở mô kẽ di chuyển ra khỏi khu vực đó.

– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để loại bỏ chất lỏng dư thừa từ mô kẽ và giảm hàm lượng muối trong chế độ ăn uống có thể làm giảm phù tay.

Ngoài ra, người bệnh không nên đặt tay tại một vị trí trong thời gian dài, cần cử động tay thường xuyên. Người bệnh cũng không nên mặc quần áo quá chật, quá ôm sát.

Bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở y tế ngay nếu tay vẫn sưng phù, không được cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà trong vài ngày hoặc tình trạng sưng phù ngày càng tồi tệ hơn. Việc sưng phù tiếp diễn trầm trọng hơn có thể dẫn tới các tai biến, biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Các tai biến, biến chứng có thể xảy ra khi truyền nước

Sốc phản vệ

Khi truyền nước cho bệnh nhân trong bất kỳ trường hợp nào, phải lưu ý đến nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra với bệnh nhân. Sốc có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trong hoặc ngay sau khi tiêm. Bệnh nhân có các biểu hiện như đột ngột ớn lạnh, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên 39 – 40 độ C hoặc cao hơn, mạch đập nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, tụt huyết áp, khó thở, thở gấp và nông, thở rít; các biểu hiện về tâm lý như lo lắng bồn chồn, vật vã, toàn thân tím tái… Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. 

Nguyên nhân gây sốc phản vệ có thể do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh; do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng với các thành phần có trong dung dịch truyền.

Sốc phản vệ có thể xảy ra trong hoặc sau khi tiêm truyền
Sốc phản vệ có thể xảy ra trong hoặc sau khi tiêm truyền

Rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải cũng là một biến chứng do truyền nước. Khi đưa vào cơ thể một lượng không cần thiết dịch truyền dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải khiến người bệnh mệt mỏi, nôn nao, thay đổi nhịp tim bất thường. Rối loạn điện giải dẫn đến thiếu hụt các yếu tố vi lượng, nếu truyền nước kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa khiến thức ăn được hấp thụ kém, dẫn đến cơ thể thiếu trầm trọng các vitamin và khoáng chất.

Nhiễm trùng và các bệnh cơ quan

Truyền nước sai quy cách, dụng cụ kim truyền không đảm bảo có thể dẫn tới nhiễm trùng máu, nhiễm trùng gan vi-rút, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi cấp, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người có tiền sử mắc bệnh tim mạch)…

Nhiễm trùng máu là biến chứng nguy hiểm nếu không truyền nước đúng cách
Nhiễm trùng máu là biến chứng nguy hiểm nếu không truyền nước đúng cách

Ngay cả khi truyền đúng cách, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền nước như sưng đau, viêm tĩnh mạch, ớn lạnh, xanh xao, vã mồ hôi, khó thở, đau tức ngực… Đối với trường hợp lạm dụng truyền nước quá nhiều, cơ thể bị mất nước ưu trương dẫn đến teo tế bào não rất nguy hiểm. 

Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C qua con đường truyền nước là rất cao nếu truyền nước bừa bãi, sai quy cách, không đảm bảo vô trùng. 

Lưu ý và chống chỉ định khi truyền nước

Lưu ý khi truyền nước

Hiện nay tai biến do truyền nước rất nhiều, đặc biệt là truyền nước nhằm mục đích dưỡng nhan, bồi bổ cơ thể, bù nước và điện giải… Nhiều bác sĩ còn có thể kê cho bệnh nhân các loại thực phẩm chức năng đạm thủy phân (lipofundin, axit amin) và vitamin bổ sung (vitaplex), tốn kém và thường là không cần thiết. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù truyền nước là một thủ thuật y tế rất phổ biến có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế, nhưng nó không hoàn toàn an toàn như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại truyền nước tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng có thể truyền nước được và không phải lúc nào nó cũng là lựa chọn hàng đầu.

Trước khi tiến hành truyền nước, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm tại cơ sở y tế để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là một số lưu ý người bệnh cần chú ý trước khi truyền nước:

– Không tự ý truyền nước tại nhà khi người bệnh có tiền sử bị suy thận cấp, mãn tính, suy tim, viêm gan nặng, suy gan, tăng kali huyết, urê huyết…

– Kiểm tra dụng cụ truyền đảm bảo vô trùng.

– Sát trùng kỹ vùng da cắm kim truyền.

– Không sử dụng các loại dịch truyền không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng hay dịch truyền có tình trạng kết tủa, vón cục, màu sắc kỳ lạ.

Sát trùng kĩ vùng da cắm kim truyền
Sát trùng kĩ vùng da cắm kim truyền

– Không tự ý pha chế dịch truyền với các loại thuốc hoặc dịch truyền khác. Việc kết hợp dịch truyền với các loại thuốc chỉ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

– Trong quá trình truyền nước biển tại nhà nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường như tím tái, khó thở, sốt, rét run… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức vì sốc phản vệ thường diễn biến rất nhanh, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.

Chống chỉ định

Ngoài ra, phù cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, mang thai hoặc tình trạng bệnh lý đã có từ trước, thường là suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc xơ gan. Khi phù nề là kết quả của một tình trạng đã có từ trước, việc điều trị cụ thể nhằm vào nguyên nhân cơ bản có thể giúp loại bỏ phù nề. Sưng khắp cánh tay hoặc bàn tay thường thoáng qua và có thể tự khỏi. Do đó, nếu tình trạng không cải thiện trong vài ngày, cần đi khám bác sĩ. Chống chỉ định với những bệnh nhân sau đây:

– Bệnh nhân cao tuổi, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận, suy tim hoặc bệnh nhân mắc bệnh não cần thận trọng khi truyền nước có chứa chất điện giải. 

– Cần cân nhắc kỹ khi truyền nước hạ sốt cho trẻ. 

– Truyền nước có thể gây nên các tai biến, biến chứng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc nguy hiểm tới tính mạng.

Người cao tuổi có các bệnh lý nền không nên truyền nước
Người cao tuổi có các bệnh lý nền không nên truyền nước

Có thể nói, truyền nước bị phù tay là hiện tượng khá phổ biến và không gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân và người thực hiện truyền nước cần phải cẩn trọng trước, trong và sau khi truyền để tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc. Hy vọng bài viết này đã giải đáp thắc mắc cho bạn đọc: “Truyền nước bị phù tay phải làm sao?”