Thời gian phục hồi sau khi hiến thận là bao lâu?

Thận là một cơ quan giữ vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Hiện nay khi y học phát triển, hiến thận đã trở thành một khái niệm quen thuộc với cuộc sống của chúng ta. Hiến thận là một nghĩa cử cao đẹp, tuy nhiên sau khi hiến thận người bệnh thường thắc mắc: Cần làm gì sau khi hiến thận? Thời gian phục hồi sau khi hiến thận là bao lâu? Bài viết này sẽ gửi tới bệnh nhân chi tiết giải đáp và một số lưu ý nhằm giúp người bệnh phục hồi sau hiến thận nhanh và hiệu quả nhất. 

Khi nào bệnh nhân cần được hiến thận?

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng và thiết yếu như: bài tiết các chất độc hại đã chuyển hóa trong cơ thể qua bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều hòa cân bằng kiềm – toan, cân bằng nước và điện giải, tham gia quá trình biệt hóa hồng cầu, điều hòa chuyển hóa… 

Khi người bệnh mắc các bệnh lý về thận – tiết niệu, nếu cả hai quả thận không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân chỉ có thể sống sót khi áp dụng một trong ba phương pháp điều trị thay thế thận là thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. 

Khi nào bệnh nhân cần hiến thận?
Khi nào bệnh nhân cần hiến thận?

Ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất, bởi một quả thận được ghép có thể đảm bảo hoàn toàn chức năng tương đương hai quả thận bị tổn thương. Hai phương pháp còn lại là thận nhân tạo hay lọc màng bụng chỉ có thể thay thế một phần chức năng của thận, tức là chức năng đào thải độc tố và điều chỉnh cân bằng nội môi, còn các chức năng khác thì không thể. Ngoài ra, bệnh nhân ghép thận không còn phải đến bệnh viện hàng ngày hoặc cách ngày để lọc máu.

Hiến thận có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? 

Hiến thận là việc người sống, có quan hệ huyết thống hoặc người chết não tự nguyện hiến một quả thận còn tốt, hoạt động bình thường để ghép vào cơ thể người bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuổi thọ trung bình của một quả thận được cấy ghép là 12 năm đối với thận từ người chết não và khoảng thời gian này là 15 năm đối với người hiến còn sống hoặc người hiến cùng huyết thống. 

Điều kiện để tiến hành hiến thận

Để được tiến hành xem xét hiến thận, người hiến và người cho cần phải có những điều kiện cơ bản dưới đây:

– Người hiến thận và người nhận theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc bởi bên thứ ba. 

– Người hiến có đầy đủ quyền công dân, không có vấn đề về mặt thần kinh hay hạn chế về mặt nhận thức.

– Người hiến là người khỏe mạnh, còn đủ hai quả thận trước khi hiến.

– Người hiến có độ tuổi dưới 60, có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm, ung thư, huyết áp, tim mạch, béo phì… 

– Nếu người hiến có quan hệ huyết thống với người cho là hợp lý nhất. Bởi vì họ có thể có cấu trúc gen giống nhau và có thể có cùng nhóm máu. Điều này nhằm giảm đáng kể nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật. 

– Trường hợp người hiến không có quan hệ huyết thống, người hiến phải chứng minh được sự “tự nguyện vì mục đích nhân đạo” để chữa bệnh cứu người chứ tuyệt đối không vì mục đích mua bán nội tạng.

Người hiến thận và người nhận theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện
Người hiến thận và người nhận theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện

Chuẩn bị để tiến hành hiến thận 

  • Trước khi hiến, người hiền phải ngưng hút thuốc (nếu có) một tháng trước ngày hiến, không uống hay điều trị bằng các loại dược phẩm chứa aspirin 3 ngày trước thời điểm hiến thận.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm ở cả người hiến lẫn người nhận, quan trọng nhất là kiểm tra phản ứng hồng cầu chéo – kháng nguyên và kháng thể của người nhận và người cho.
  • Những người có cùng nhóm máu hay hệ gen gần tương đồng nhau (thường là giữa những người có quan hệ huyết thống) sẽ giảm đáng kể tỉ lệ thải loại.
  • Nếu người hiến và người nhận không trùng nhóm máu hay hệ gen thì người nhận sẽ phải uống thuốc chống thải loại.

Hiến thận có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không

Theo các nghiên cứu về người hiến thận được công bố trên Hiệp hội Y khoa Mỹ và tạp chí Y khoa Anh Quốc vào năm 2009 và 2010, không có sự khác biệt về tỷ lệ sống sót giữa người hiến hay người không hiến thận, bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay dân tộc.

Hiến thận không làm giảm tuổi thọ của người hiến. Hiến thận cũng không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và khả năng tình dục. Mặc dù vậy, hiến thận có nguy cơ dẫn đến làm tăng các nguy cơ phát triển các chứng bệnh về thận sau này. Sau khi hiến, người hiến vẫn được tham gia các hoạt động thể chất nhưng nên tránh các môn có cường độ mạnh như: bóng đá, chạy điền kinh… và cần phải thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt do bác sĩ chỉ định.

Hiến thận không làm giảm tuổi thọ của người hiến
Hiến thận không làm giảm tuổi thọ của người hiến

Thời gian phục hồi sau khi hiến thận

Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu cho và hiến thận và được thông qua bởi hội đồng chuyên môn tại bệnh viện, ca phẫu thuật lấy và ghép thận sẽ được diễn ra đồng thời. Sau 1 tuần, người hiến thận có thể xuất viện nếu thể trạng tốt, không có bất cứ biểu hiện bất thường nào sau ca phẫu thuật và trong thời gian 7 ngày theo dõi. Người nhận thận sẽ cần thời gian dài hơn, khoảng 2 đến 3 tuần để theo dõi và hướng dẫn dùng thuốc.

Thời gian hồi phục sau khi hiến thận là 1 tháng. Người hiến thận có thể phục hồi gần như hoàn toàn sức khỏe sau 2 – 4 tuần nếu tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và hướng dẫn dùng thuốc mà bác sĩ đưa ra. Sau khi hiến thận, người hiến cần làm những điều sau đây để cải thiện sức khỏe và hồi phục nhanh chóng hơn:

Cho phép bản thân nghỉ ngơi nhiều hơn

Thông thường, vết mổ hiến thận rất nhỏ. Người hiến sẽ hồi phục thể trạng nhanh hơn và ít đau đớn hơn so với đại phẫu. Tuy nhiên, bạn nên sắp xếp công việc và thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.

Bạn sẽ thấy đau vùng phẫu thuật trong khoảng hơn 1 tuần kể từ ngày hiến thận. Chính vì vậy, bạn nên trở lại làm việc sau 2 tuần. Trong trường hợp công việc của bạn đòi hỏi về thể lực, bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần để các cơ quan phục hồi hoàn toàn.

Thận trọng khi dùng thuốc

Người bệnh nên tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ về các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang hoặc sẽ sử dụng. Một số loại thuốc gây áp lực lớn lên thận nếu dùng thường xuyên hoặc dùng với liều lượng cao như thuống kháng viêm không steroid.

Trước khi uống thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ
Trước khi uống thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ

Duy trì lối sống lành mạnh

Hạn chế rượu, bia và các thức uống chứa cồn: dung nạp một lượng lớn bia, rượu, đồ uống chứa cồn mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp và gây áp lực mạnh mẽ tới hoạt động của thận.

Không hút thuốc lá: thuốc lá từ lâu đã được biết đến như một kẻ thù của cơ thể con người, làm suy giảm chức năng của nhiều bộ phận, trong đó có cả thận.

Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, uống đầy đủ nước

Người hiến thận không cần phải tuân theo một chế độ ăn đặc biệt, giàu chất dinh dưỡng, thanh đạm; hạn chế đường và chất béo. Các chuyên gia khuyến cáo rằng những người hiến thận tránh ăn quá nhiều chất đạm, đặc biệt là thực phẩm đạm bổ sung hoặc bột đạm, vì quá nhiều chất đạm sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn. 

Bạn cũng nên chú ý bổ sung nước đầy đủ giúp thận lọc màu và các chất cặn bã tốt hơn. Để quả thận còn lại có thể thích nghi để đảm bảo hoạt động hiệu quả, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện và đi khám định kỳ để giữ gìn sức khỏe tốt.

Chế độ ăn ít đạm, nhiều chất dinh dưỡng giúp giảm áp lực lên thận
Chế độ ăn ít đạm, nhiều chất dinh dưỡng giúp giảm áp lực lên thận

Duy trì khám sức khỏe định kỳ

Một vài tuần sau khi hiến thận, người hiến thận sẽ được theo dõi và kiểm tra lại để đảm bảo sức khỏe ổn định. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm đạm niệu, mức lọc cầu thận và các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận. Những người hiến thận sẽ được kiểm tra bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và các tình trạng có thể gây hại cho thận. Nếu thấy có máu trong nước tiểu hoặc sưng tấy bất thường từ mắt cá đến cẳng chân, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Đây là những dấu hiệu cho thấy thận của bạn có vấn đề.

Tránh tham gia các môn thể thao vận động mạnh

Bạn nên tránh những môn thể thao có tính đối kháng mạnh, yêu cầu thể lực như bóng đá, võ thuật… có thể gây chấn thương nghiệm trọng cho thận. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tham gia.

Nên tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng
Nên tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng

Kết luận

Sau khi hiến thận, mặc dù các chức năng của cơ thể hoạt động bình thường và phục hồi thể lực nhanh chóng, người hiến vẫn nên cẩn trọng với những hoạt động thể chất và lối sống có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Bạn nên giữ vững lối sinh hoạt điều độ, chế độ ăn uống hợp lý và tránh xa các thói quen có hại tới sức khỏe. Hiến thận nói riêng, hiện tạng nói chung là nghĩa cử cao đẹp đã mang lại một cuộc sống mới cho những bệnh nhân được ghép, mang lại hạnh phúc, nụ cười cho họ, cho gia đình họ và cho xã hội. Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn đọc: Thời gian phục hồi sau khi hiến thận là bao lâu?